Hình thức nuôi

Hiện có 3 dạng hình nuôi bào ngư: Nuôi lồng trong bể xi măng, nuôi lồng treo bè ngoài biển, nuôi thả đáy trên bãi đá, rạn san hô dọc bờ biển.

Nuôi lồng trong bể xi măng: Bể xi măng có hình chữ nhật, diện tích (10x2x1) m, có mái che nắng, xung quanh để trống, có một hộc nhỏ để lọc nước biển chảy tuần hoàn. Nước nuôi đảm bảo độ mặn 30 – 35‰; pH 7,6 – 7,8; ôxy hòa tan > 5 mg/l; nhiệt độ 26 – 300C. Sử dụng lồng nhựa, hình chữ nhật, có lỗ. Kích thước lồng (50x40x30) cm treo trong bể hoặc xếp chồng lên nhau cách đáy 20 cm.

Nuôi bằng lồng treo ngoài biển: Sử dụng lồng nuôi hình chữ nhật bằng nhựa có lỗ (3 – 4 mm), kích thước (50x40x30) cm có dùng móc nhựa gài nắp để tiện kiểm tra và cho ăn. Lồng được treo trên bè nổi cách nhau 0,5 m và ở độ sâu 2 – 5 m. Bè nổi thiết kế giống bè nuôi tôm, cá biển; có thể nuôi bào ngư ở trên, nuôi tôm hùm ở dưới. Lồng bè được cố định bằng neo sắt có khối lượng 50 – 100 kg/cái. Bè được thiết kế di động để thuận tiện di chuyển khi cần thiết. Lồng nuôi đặt nơi tương đối kín gió, không có sóng lớn, xa cửa sông, không bị ảnh hưởng bởi nước ngọt, đặc biệt vào mùa mưa. Độ mặn khu vực đặt lồng ổn định 30 – 35‰, độ sâu 6 – 8 m.

Nuôi thả trên bãi đá: Bãi nuôi có nền đáy là các đá phiến xếp tầng, đá tảng lớn tạo nên các hang hốc cho bào ngư ẩn nấp. Nơi có nhiều thực vật biển như rong mơ (Sargassum), rong câu (Gracilaria), rong đông (Hypnea)… phân bố. Bãi nuôi có nước lưu thông tốt, độ trong mực nước > 1,5 m; độ sâu mực nước nuôi đạt 1 – 3 m mực nước biển; lưu tốc dòng chảy 1 – 5 cm/s. Diện tích bãi nuôi từ 3.000 m2 trở lên. Nếu nền đáy bãi nuôi ít gồ ghề, hang hốc, có thể xếp thêm đá làm giá thể cho bào ngư bám và ẩn nấp. Sử dụng hệ thống dây, phao neo (hoặc các cọc bê tông đổ cố định trên vùng triều) để đánh dấu, xác định vùng nuôi. Có biển báo hiệu vùng nuôi (nếu cần thiết).

Điều kiện thả

Nước có độ mặn cao, ổn định: 29 – 32‰; nhiệt độ: 18 – 300C; độ pH: 7,5 – 8,5; hàm lượng ôxy hòa tan > 5 mg/l; Các thông số môi trường khác nằm trong giới hạn cho phép đối với vùng nuôi trồng thủy sản theo QCVN 10-MT:2015/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển.

Con giống

Thời gian thả giống: Quanh năm, tránh thả giống vào thời điểm nắng nóng. Tốt nhất là tháng 3 – 5 dương lịch hàng năm. Chọn con giống có chất lượng tốt, khỏe mạnh, hình dạng hoàn chỉnh, không dị hình, lực bám mạnh. Không mang mầm bệnh, được kiểm dịch trước khi đưa ra vùng nuôi. Kích thước chiều dài vỏ con giống tối thiểu đạt 8 – 10 mm. Vận chuyển con giống vào lúc chiều mát hoặc buổi tối, tránh vận chuyển lúc thời tiết nắng nóng.

Thả giống: Sau khi vận chuyển từ nơi sản xuất đến nơi nuôi, cần tiến hành làm cho bào ngư thích nghi với môi trường nuôi mới trước khi thả. Thời điểm thả giống: Vào lúc chiều muộn khi thời tiết mát mẻ (16 – 17 giờ chiều). Mật độ thả: 5 – 10 con/m2.

Chăm sóc

Thức ăn của bào ngư là hỗn hợp rong biển: rong mơ, rong câu, rong đông… Trước khi cho bào ngư ăn, cần phải lấy hết thức ăn dư thừa ra đối với nuôi lồng, sau đó mới đưa nguồn thức ăn mới vào. Lượng thức ăn cho ăn bằng 10 – 30% trọng lượng thân. Lượng rong cho ăn phải thừa không được để thiếu, nếu thiếu thì lần sau cho ăn phải tăng lên. Từ tháng 12 năm trước đến tháng 5 năm sau: Đây là mùa phát triển của rong biển nên không cần bổ sung thức ăn, bào ngư sử dụng thức ăn sẵn có tại bãi nuôi. Từ tháng 6 đến tháng 11: Đây là mùa rong tàn lụi, bãi nuôi không đủ cung cấp thức ăn cho bào ngư, cần tiến hành bổ sung thức ăn từ rong biển nuôi trồng (rong câu) hoặc rong khô (rong mơ phơi khô). Nếu thức ăn là các loại rong khô thì trước khi cho ăn phải ngâm trong nước biển khoảng 30 – 60 phút. Lượng thức ăn có thể thay đổi tùy theo nhiệt độ nước và mức độ tiếp nhận thức ăn của bào ngư. Thông thường 2 – 3 ngày cho ăn 1 lần, mùa hè có thể 2 ngày 1 lần và mùa đông nếu nhiệt độ xuống thấp thì cho ăn 3 ngày 1 lần. Thường thì rải rong vào lúc 4 – 5 giờ chiều để tối bào ngư bò ra kiếm ăn.

Khi cho ăn bổ sung thức ăn, định kỳ cho ăn 5 – 7 ngày/lần. Lượng cho ăn như sau:

Quản lý

Trong quá trình nuôi, định kỳ kiểm tra tỷ lệ sống và sinh trưởng của bào ngư. Thường xuyên theo dõi các yếu tố môi trường, độ mặn, nhiệt độ, độ trong và màu nước. Nếu thấy có hiện tượng bất thường cần có giải pháp khắc phục ngay, di chuyển bè đến những địa điểm khác, có điều kiện môi trường thuận lợi cho phát triển của bào ngư.

Theo dõi chặt chẽ hoạt động bắt mồi của bào ngư, nếu thấy khả năng bắt mồi kém phải kiểm tra các loại thức ăn có bị hôi, thối không; kiểm tra dòng nước chảy tại địa điểm đặt bè nuôi; đặc điểm tập tính ăn của bào ngư, khi nước có dòng chảy sẽ kích thích bào ngư bắt mồi rất tốt. Hàng ngày, phải kiểm tra lồng nuôi để trách các địch hại vào trong lồng, đặc biệt cua và còng. Khi có bào ngư chết phải vớt ra khỏi lồng nuôi ngay. Thường xuyên gia cố, thay thế, sửa chữa hệ thống dây phao neo; hệ thống cọc bê tông và các biển báo hiệu vùng nuôi.

Phòng bệnh: Cần sử dụng nguồn giống bào ngư sạch bệnh cho nuôi thương phẩm. Con giống phải được kiểm dịch trước khi vận chuyển, thả nuôi. Trong quá trình nuôi, khi cần bổ sung thức ăn, trước khi cho ăn thức ăn cần được rửa sạch, ngâm trong Iodine 2 ppm.

Thu hoạch

Sau thời gian nuôi 24 – 30 tháng, bào ngư đạt cỡ thương phẩm 40 – 50 con/kg, tỷ lệ sống 25 – 30%, tiến hành thu hoạch. Thu hoạch bào ngư lúc thủy triều xuống thấp nhất, thời tiết mát. Thu tỉa những cá thể đạt kích cỡ thương phẩm, những cá thể chưa đạt kích cỡ tiến hành nuôi tiếp.